Hotline: 0989922358 / 0975778988
Email: philongco.hd@gmail.com
Thật khó xác định chính xác khi nào vật dụng bằng gốm đầu tiên ra đời trên thế giới. Có lẽ cách đây khoảng 10.000 năm, sau khi phát minh ra lửa, con người lần đầu tiên biết rằng đất sét dưới tác dụng của sức nóng của lửa sẽ đổi màu và cứng rắn lại, có thể dùng nó để tạo nên những vật dụng đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày để đựng nước uống hay lương thực, thực phẩm.
Việc sản xuất vật liệu gốm ở các vùng trên trái đất phát triển khác nhau theo từng địa phương, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nguyên liệu tại chỗ và sự hoàn thiện các công đoạn chế tác và nung luyện.
Đồ đất nung cổ nhất tìm thấy ở Trung Đông có tuổi khoảng 7000 năm trước Công Nguyên (TCN). Hình dáng của chúng được phỏng theo các giỏ đan. Có thể trước tiên người ta đã trát đất sét lên các giỏ đan và để khô, sau đó nghĩ ra cách chỉ dùng đất sét để tạo hình và nung.
Phát minh ra bàn xoay (3000 năm TCN) là một tiến bộ kỹ thuật cách mạng trong tạo hình đồ gốm, tạo điều kiện cho sự phát triển phong phú về hình dáng sản phẩm cũng như các kỹ thuật trang trí khác nhau.
Có thể nói lịch sử đồ gốm gắn liền với lịch sử xã hội con người. Dựa theo chất liệu, hình dáng và kỹ thuật trang trí đồ gốm có thể xác định trình độ phát triển của một cộng đồng dân cư vào một thời kỳ nào đó trong lịch sử.
Danh từ “ceramics” nghĩa là gốm sứ, xuất phát từ chữ “keramos” tiếng Hy Lạp nghĩa là “vật nung”. Ngày nay ở thủ đô Athens, Hy Lạp vẫn còn một khu phố tên là Kerameikos, nơi ngày xưa người ta sản xuất đồ gốm. Kỹ thuật làm đồ gốm Hy Lạp và Etruria sau đó được người La Mã tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ.
Sản xuất gốm xây dựng, đặc biệt là gạch ốp lát tráng men màu xuất hiện ở Trung Đông và khoảng 2000 năm TCN. Khoảng 500 năm TCN các nhà thờ và cung điện vùng Trung Đông đã được lát bằng loại gạch đến nay vẫn còn làm người ta khâm phục. Theo bước chân những người Ả Rập, kỹ thuật sản xuất gạch ốp lát tráng men đã phát triển sang tận Tây Ban Nha.
Ở Trung Hoa, đồ gốm xuất hiện vào khoảng 6000 năm TCN, như vậy là muộn hơn so với giai đoạn sớm của đồ gốm tại vùng Trung Đông. Có thể nhờ câu chuyện xưa, ông Cổ Tấu toan lấp miệng giếng hại vua Nghiêu lúc còn hàn vi, giếng đây là lò nung đồ đất nung chứ không phải là giếng nước. Vua Nghiêu sau nhường ngôi vua cho Thuấn (Choun, 2255-2207 TCN) cũng là người biết làm đồ gốm, làm gạch. Vạn Lý Trường Thành do Tần Thủy Hoàng (221 TCN) sai tu bổ, nối liền lại cũng được xây bằng gạch và đá, Vạn Lý Trường Thành để ngăn người Hồ xâm lấn, người Hồ cưỡi ngựa, mà ngựa thì không trèo lên vách thành được. Gạch Vạn Lý Trường Thành đến nay hơn 2000 năm mà vẫn còn tồn tại.
Vào thế kỷ thứ 6 TCN, người Trung Hoa đã phát minh ra đồ sứ, được sản xuất từ nguyên liệu đất vùng núi Cao Lĩnh. Đây thực chất là loại cao lanh có hàm lượng khoáng caolinit cao, và chính cái tên Cao Lĩnh là nguồn gốc của từ cao lanh và khoáng caolinit sau này. Theo một số tài liệu khác sứ nguyên thủy (protoporcelain) có thể đã được phát minh tại Trung Hoa sớm hơn nhiều, vào năm 1258 TCN. Sứ này có xương kết khối, tráng men xanh lục-vàng, ngày nay được xem thuộc dạng trung gian giữa sành dạng đá và sứ. Người Trung Hoa sau đó đã phát minh ra sứ xác sanh lục có nhiệt độ nung khoảng 1320°C (vào năm 221 đến 206 TCN) và sứ có xương trắng (550 đến 577 sau CN).
Đồ sứ Trung Hoa thời kỳ sơ khai chưa thể có chất lượng tốt như này nay, tuy nhiên nó đã được nâng cao dần dần trong quá trình sản xuất. Đến đời nhà Đường (960-1127) có sứ Ding-jao (Bạch Định), là sứ xương trắng ngần được trang trí hoa văn bằng cách đống dấu và tráng men trong. Một phần men trong hòa lẫn với xương nên ở vùng trung gian không biết đâu là xương, đâu là men. Vào thời này, chúng ta còn nhớ Đỗ Phủ làm thơ tán tụng chén sứ uống trà sản xuất tại Việt Châu, khen rằng:
“Da trắng như tuyết,
Tiếng trong như ngọc”
Đến triều Minh (1368-1644) đã sản xuất ra sứ chất lượng tương đương sứ châu Âu ngày nay, đồng thời kỹ thuật tạo hình và trang trí đồ sứ được tiếp tục hoàn thiện. Sự sụp đổ của triều đại nhà Minh kéo theo sự xuống dốc của nghề sản xuất sứ. Đến đời nhà Thanh, sau khi có được sự ổn định chính trị và kinh tế, vào thế kỷ 17, 18, nghề sứ Trung Hoa lại khôi phục và phát triển đến đỉnh cao. Sứ sản xuất ra có chất lượng tốt, trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao, xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.
Đồ gốm và sau đó là đồ sứ Trung Hoa có ảnh hưởng rất lớn đến các nước chung quanh, nhất là các nước vùng Đông Bắc Á như Triều Tiên và Nhật Bản. Sản xuất sứ du nhập từ Trung Hoa vào Triều Tiên, sau đó là Nhật Bản.
Người Triều Tiên đã bắt chước người Trung Hoa làm đồ sứ celadon.
Tại Nhật Bản, sản xuất gốm sứ bắt đầu từ thế kỷ 16, tại thành phố Arita, sau chuyến đi của So-zui đến Trung Hoa vào năm 1511. Nghề sứ tại Arita phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 17 sau sự sụp đổ của triều đại nhà Minh tại Trung Hoa, ban đầu chủ yếu do người Triều Tiên di cư sản xuất. Người Nhật Bản đã bắt chước làm các loại Akae, Temmoku, gốm đỏ, gốm xanh lục. Arita ngày nay vẫn là trung tâm sản xuất sứ nổi tiếng Nhật Bản.
Người Thái Lan bắt chước làm sứ celadon, dọi là đồ Sawankalok.
Việc xuất khẩu đồ sứ Trung Hoa sang các nước Châu Âu bắt đầu khá sớm, có lẽ từ những chuyến đi biển của đô đốc Trịnh Hòa (Cheng He, 1371-1435). Khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, đồ sứ hoa lam trang trí dưới men (tức sứ xương trắng, trang trí màu xanh lam của oxyt coban, còn gọi là lam Hồi, màu này do người Hồi Hồi đem sang Trung Quốc đời nhà Minh) đã nhập vào châu Âu qua con đường biển vòng quanh châu Phi. Đồ sứ cũng được xuất khẩu qua con đường tơ lụa từ Trung Hoa qua Ấn Độ đến Châu Âu. Sứ Trung Hoa thuộc loại sứ mềm, xương trắng và trong, nhiệt độ nung khoảng 1280-1350°C.
Tại Châu Âu, đồ sứ ngày xưa rất quý và hiếm. Bộ đồ ăn sang trọng bằng sứ trong cung đình Châu Âu thế kỷ 17, 18 nhập từ Trung Hoa có giá đắt ngang vàng, vì vậy người châu Âu đã cố gắng bắt chước sản xuất sứ châu Á. Trong quá trình tìm tòi, trước khi tìm ra cách sản xuất đồ sứ, người châu Âu đã sáng tạo ra các loại sành majolica và faience.
Majolico là loại sành tráng men thiếc chì sản xuất tại Tây Ban Nha, nhập vào Ý và châu Âu qua đảo Mallorca, từ đó có tên gọi majolico. Sành majolica được tráng một lớp men đục (men thiếc) để làm nền, sau đó vẽ màu trang trí và tiếp tục tráng lên một lớp men thứ hai trong suốt không màu (men chì) tạo độ bóng cho sản phẩm sau khi nung.
Sành majolica rất được người Ý ưa thích. Vào giữa thế kỷ 15, majolica được san xuất rất mạnh tại chính nước Ý. Lớp men nền màu trắng làm các sản phẩm maijolica rất giống đồ sứ Trung Hoa nhập vào châu Âu qua cảng Venise. Thành phố Faenza vùng Toscan, gần Bologne là nơi sản xuất majolica hàng đầu thời ấy, từ đó sành sản xuất tại chỗ có tên gọi là faience. Từ faience được dùng phổ biến tại Pháp và Đức, còn ở hà Lan loại sành này được gọi là Delft theo tên thành phố sản xuất ra.Faience có xương xốp màu trắng, cũng được tráng hai lớp men, bên dưới là lớp men đục màu trắng (men thiếc) và phía trên là lớp men trong (men chì). Do kỹ thuật sản xuất như nhau nên rất khó phân biệt đâu là majolica, đâu là faience, cũng như không thể biết xuất xứ của chúng nếu như nhà sản xuất không ghi nhãn hiệu sản phẩm.
Sành faience đặc biệt phát triển tại Pháp và Hà Lan trong thế kỷ 17. Nổi tiếng nhất là sành sản xuất tại thành phố Delft, Hà Lan, gọi là “Delft Blau” (Delft xanh lam), là một loại sành được tráng men nền màu trắng sau đó trang trí hoa văn làm theo mo-tip phương Đông hay mo-tip châu Âu lên trên. Sành Delft xanh lam được sản xuất rất mạnh trong khoảng thời gian 1640-1706, có chất lượng rất cao, thành mỏng, thoạt nhìn cứ tưởng đồ sứ Trung Hoa.
Tại Anh, một đảo quốc tách rời khỏi lục địa Châu Âu, xu hướng sản xuất gốm sứ ít nhiều không theo hướng phát triển sành faience như tại lục địa. Một loại gốm là sành dạng đá, có xương kết khối tốt hơn và cứng hơn sành thông thường đã được phát hiện và sử dụng. Đỉnh cao là sản phẩm của nhà sản xuất gốm nổi tiếng Josiah Wedgwood vào nửa sau thế kỷ 18. Ông đã nghiên cứu sản xuất một loại sành dạng đá xương màu trắng. Chất lượng gần được như sứ.
Sành dạng đá sau đó cũng phát triển mạnh tại lục địa Châu Âu vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 18. Với ưu thế chất lượng tốt hơn, sành dạng đá đã đẩy lùi dần sành faience ra khỏi thị trường. Loại sành dạng đá xương có màu sản xuất theo phương pháp của Bottger rất được ưa chuộng và được bắt chước sản xuất theo rất nhiều.
Người phát minh ra đồ sứ châu Âu và áp dụng phát minh này vào sản xuất công nghiệp là Johana Friedrich Bottger. Ông vốn là nhà giả kim thuật, nghiên cứu luyện các kim loại khác ra vàng, và tất nhiên đã không thành công. Một thời gian sau ông được giao nhiệm vụ xây dựng một xưởng sản xuất sành dạng đá xương có màu (năm 1707). Ông đã tái phát minh lại đồ sứ vào năm 1709, sứ Bottger thuộc loại sứ cứng, phối liệu gồm 50% cao lanh, 25% trắng thạch, 25% cát, nhiệt độ nung khoảng 1450°C. Nhà máy sứ đầu tiên tại châu Âu được xây dựng ở Meissen (thuộc vùng Dresden, CHLB Đức ngày nay) năm 1710 và do Bottger điều hành.
Mặc dầu xuất hiện rất lâu nhưng công nghệ sản xuất sứ được giữ rất kín. Năm 1756, tại Vincennes bên Pháp, người ta cũng tự tìm ra cách làm đồ sứ gần giống đồ sứ Trung Hoa và về sau lò sứ Sevres tiếp tục sản xuất theo phương pháp đã tìm ra cho đến nay.
Từ Porcelain (sứ) có nguồn gốc từ chữ porcella là một loại ốc xà cừ có vỏ rất đẹp giống đồ sứ. Quan niệm thông thường của người dân châu Âu thời xưa cho rằng muốn làm được đồ sú phải pha trộn giống ốc porcella mới làm ra được như thế.
Qua thời gian dài giữ bí mật thành phần phối liệu và công nghệ sản xuất, khoảng vài chục năm sau, công nghệ sản xuất sứ cứng đã lan truyền ra các nước châu Âu khác. Như vậy đồ sứ đã được sản xuất ở châu ÂU, tuy nhiên, do phải bảo đảm trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao nên vẫn còn rất đắt so với sành dạng đá, chỉ người giàu có mới mua được nên lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Nhà máy sứ đầu tiên ở Meissen trong thời kỳ Bottger (1710-1719) phải vừa sản xuất sứ (là sản phẩm mới đắt tiền) vừa sản xuất sành dạng đá xương có màu (là sản phẩm gốm cao cấp phổ biến trên thị trường lúc ấy).
Bằng việc đưa vào sản xuất công nghiệp, áp dụng những sáng kiến, phát minh mới, thiết bị mới, đồ sứ với những tính chất ưu việt của nó đã trở nên rẻ dần, đẩy lùi sành dạng đá và chiếm lĩnh thị trường sản phẩm gốm cao cấp nữa sau thế kỷ 19.
Các cột mốc phát triển ngành gốm sứ từ sau phát minh ra sứ cứng của Bottger năm 1709 có thể tóm tắt như sau:
1720 Lò nung Bottger được cải tiến tại Viên (Áo).
1745 Ralph Daniel sử dụng khuôn thạch cao để tạo hình bằng tay tại Staffordshire, Anh.
1780 Phát minh công nghệ đổ rót (chưa dùng chất điện giải) tại Tournai.
1797 Lò tròn 2 tầng lửa trục tiếp lần đầu tiên được xây dựng tại Berlin, Đức.
1802 Lò tròn đầu tiên tại Viên, Áo và 1917 tại Meissen, Đức
1809 Phát minh công nghệ tạo hình ép để sản xuất nút bằng gốm ở Potter, Sevres, Pháp.
1816 Đưa vào hoạt động 5 máy khuấy lọc hoạt động bằng tay tại Meissen, Đức.
1940 Đan Mạch cấp bằng sáng chế lò nung Tunnel cho H.Jordt và M.H. Holler.
1851 Đưa vào hoạt động 2 máy khuất trộn cơ khí tại Meissen, Đức.
1853 Phát minh máy ép lọc khung bán
1855 Áp dụng công nghệ tạo hình bằng dao bán trên bàn xoay tại Ballay, Sevres, Pháp. J.F.Boch thiết kế lò tròn.
1860 Lần đầu tiên thử nghiệm đốt nhiên liệu khí cho lò tròn tại Vernier, Klasteree, CH Séc.
1870 Đưa vào hoạt động máy nghiền tại Alsing, Thụy Điển.
1875 Orsat phát minh máy phân tích thành phần khí.
1878 Máy nhào trộn phối liệu gốm sứ lần đầu tiên được trưng bày tại Paris, Pháp.
1878 Lò lửa đảo 3 tầng lần đầu tiên được xây tại Berlin, Đức.
1882 Côn đo nhiệt độ lần đầu tiên được sử dụng tại Sevres, Pháp
1886 sử dụng côn đo nhiệt độ tại Seger, Berlin.
1890 Chất điện giải soda được sử dụng tạo điều kiện ứng dụng rộng rãi công nghệ đỏ rót tại Goetz, Karrlovy, Vary, CH Séc.
Cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt thế kỷ 19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nghề gốm sứ. Trước hết, phát minh ra máy hơi nước đã dần thay thế máy chạy bằng sức nước, sức ngựa, sức người. Máy hơi nước đầu tiên trong ngành gốm được lắp đặt tại một nhà máy ở Berlin năm 1799, còn ở Meissen phải đến tận năm 1853.
Thay đổi cơ bản để phát triển ngành công nghiệp gốm sứ là quá trifh cơ khí hóa từng bước các công đoạn sản xuất. Các máy đập nghiên, nghiền bánh xe, nghiền bi cỡ lớn, ép lọc khung bàn và các thiết bị sàng được đưa vào sử dụng trong công đoạn gia công và chuẩn bị phôi liệu. Lò nung được thiết kế tốt hơn và than đá bắt đầu được sử dụng thay cho củi gỗ. Các công nghệ mới được đưa vào áp dụng như dùng khuôn thạch cao thay cho khuôn gốm trong tạo hình đồ rót, dùng kỹ thuật in lito thay cho vẽ bằng tay…
Động cơ điện xuất hiện trong nửa sau thế kỷ 19, tuy nhiên việc áp dụng pháp minh này ở mức độ công nghiệp rất chậm chạp do thiếu mạng lưới truyền tải điện. Phải đến thế kỷ 20 các thiết bị điện mới được áp dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất gốm sứ ở châu Âu. Nhờ ứng dụng năng lượng điện để vận hành máy móc, nhịp độ cơ khí hóa đã được đẩy nhanh trong tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất. Đã diễn ra những thay đổi căn bản trong việc thiết kế lò nung, sử dụng nhiên liệu mới để đốt lò, đổi mới thiết bị, đặc biệt các thiết bị trong công đoạn tạo hình.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai ngành công nghiệp gốm sứ lại có một bước phát triển mới nhà quá trình chuyển đổi từ cơ khí hóa sang tự động hóa.
Sản xuất gốm sứ trên thế giới ngày nay theo xu hướng dây chuyền hàng loạt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản xuất thủ công bằng tay (hand made) với những dòng sản phẩm truyền thống độc đáo của mỗi nước vẫn phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của con người trong cuộc sống hiện đại.
Gomsuu,